(ĐN)- Ngày 3-5, Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (Dowa) tổ chức buổi gặp mặt doanh nghiệp, hội viên năm 2024 nhằm thảo luận, tìm ra những giải pháp phát triển sản xuất, kinh doanh. Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi tham dự buổi họp mặt.
Theo Dowa, năm 2023 là năm cực kỳ khó khăn của ngành gỗ. Tuy xuất khẩu gỗ Đồng Nai đứng thứ 2 cả nước và đứng vị trí thứ 3 trong các sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu cao của tỉnh nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chỉ hơn 1,3 tỷ USD giảm 34% so với năm 2022.
Các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu gỗ vẫn đang phải đối diện với các khó khăn chung là thiếu đơn hàng. Để hỗ trợ doanh nghiệp và tăng cường tính kết nối của ngành vượt qua khó khăn, Dowa và các thành viên cũng tham gia, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực.
Hiệp hội cũng lập nhóm hỗ trợ doanh nghiệp hội viên trong việc kết nối giao thương, mối liên kết cung cầu trong sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu.
Tại buổi gặp mặt, các doanh nghiệp, hội viên cũng đã được lắng nghe phần tọa đàm về tình hình thị trường gỗ thế giới, những khó khăn hiện tại của doanh nghiệp, giải pháp kết nối hội viên để thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trong giai đoạn hiện nay. Doanh nghiệp cũng được giới thiệu các giải pháp về công nghệ cao cho ngành chế biến gỗ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm tiêu hao nguyên liệu, tăng hiệu quả sản xuất…
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi mong muốn các doanh nghiệp ngành gỗ nỗ lực tìm ra giải pháp ngắn hạn, đẩy mạnh thị trường tiêu thụ cả trong nước và xuất khẩu. Phấn đấu đạt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2024 tỉnh Đồng Nai đạt trên 1,5 tỷ USD. Về lâu dài cần có định hướng, quyết sách để mở rộng thị trường ngành gỗ.
Các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội, doanh nghiệp tiếp tục nỗ lực phát triển sản xuất gỗ của Đồng Nai. Thúc đẩy hình thành khu lâm nghiệp công nghệ cao, phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng ở địa phương và trong nước, từng bước giảm gỗ nhập khẩu.
Cũng tại buổi họp mặt, Công ty SGS Việt Nam đã cấp chứng nhận rừng bền vững FSC cho Ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc. Đây là đơn vị hiện có 3,6 ngàn héc ta gỗ rừng trồng đang phối hợp với Công ty Cổ phần Tân Vĩnh Cửu thực hiện chương trình này.
Nguồn: Báo Đồng Nai