Kiên quyết loại bỏ gỗ bất hợp pháp khỏi chuỗi cung ứng

Chuyển đổi thói quen sử dụng đồ nội thất từ gỗ “thịt” của rừng tự nhiên sang gỗ rừng trồng hợp pháp đang chuyển dịch mạnh mẽ.

Kiên quyết loại bỏ gỗ bất hợp pháp khỏi chuỗi cung ứng
Xu hướng chuyển dịch sang sử dụng gỗ rừng trồng hợp pháp đang chuyển dịch mạnh mẽ (Ảnh: Vũ Long)

Loại bỏ gỗ bất hợp pháp khỏi chuỗi cung

Hiện nay, Chính phủ Việt Nam cam kết mạnh mẽ để loại bỏ gỗ bất hợp pháp ra khỏi chuỗi cung, cả trong xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Giảm lượng gỗ rủi ro nhập khẩu không những giúp Chính phủ thực hiện cam kết này mà còn giúp giảm rủi ro cho cả ngành gỗ, bao gồm cả khâu xuất khẩu.

Theo ông Đỗ Xuân Lập – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 4-5 triệu mét khối (m3) gỗ nguyên liệu. Tuy nhiên, trước khi có cam kết của Chính phủ, thì lượng gỗ nhập khẩu rủi ro chiếm tới 30-40%.

“Việt Nam nhập khẩu gỗ rủi ro đã và đang có những tác động tiêu cực tới ngành gỗ Việt Nam, đặc biệt là ở khâu xuất khẩu. Vụ điều tra 301 của Cơ quan đại diện thương mại Mỹ về ngành gỗ Việt Nam cuối năm 2020 là một ví dụ điển hình về tác động tiêu cực này”- ông Đỗ Xuân Lập nói.

Giảm lượng gỗ rủi ro nhập khẩu đòi hỏi các hộ tại các làng nghề chuyển sang sử dụng các loại ít rủi ro, bao gồm gỗ rừng trồng trong nước hay các loại ván.

Chuyển đổi thói quen sử dụng gỗ quý sang gỗ rừng trồng hợp pháp

Tại làng nghề Thụy Lâm (Hưng Yên), trước năm 2008 chủ yếu sử dụng gỗ quý trong nước, đặc biệt là gỗ nghiến, sau đó là gỗ nghiến nhập khẩu từ Lào và 5 năm gần đây là từ Châu Phi.

Chúng tôi suýt mất thương hiệu khi sử dụng nguồn gỗ nhập khẩu rủi ro. Rất may sau đó chúng tôi chuyển sang sử dụng gỗ tần bì của Nga và xu hướng chuyển dịch nguồn gỗ hợp pháp này là hướng đi đúng” – ông Trường khẳng định.

TS.Tô Xuân Phúc cho rằng cần liên kết giữa doanh nghiệp và làng nghề trong chuỗi cung ứng gỗ
TS.Tô Xuân Phúc cho rằng cần liên kết giữa doanh nghiệp và làng nghề trong chuỗi cung ứng gỗ. (Ảnh: Vũ Long)

Chuyển đổi gỗ nguyên liệu tại các làng nghề không phải là câu chuyện riêng của các làng nghề mà còn là trách nhiệm của xã hội, của cơ quan quản lý và của cả cộng đồng doanh nghiệp gỗ.

Chia sẻ về mô hình liên kết nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi này, ông Đỗ Quang Hà – Chủ tịch HĐQT TAVICO – cho biết: “Trước đây, chúng tôi đã từng nhập khẩu gỗ tần bì Nga và phải để ngoài cảng 6 tháng trời không ai hỏi mua. Sau đó, tôi mạnh dạn đưa thử số gỗ này vào làng nghề Hữu Bằng để chế biến thử và thật kỳ diệu, thị trường chấp nhận và thay thế dần gỗ xoan đào, mở ra xu hướng mới cho gỗ tần bì Nga tại thị trường Việt”- ông Hà nói.

Sáng 4.11.2022, tại hội thảo “Liên kết công ty với các hộ tại làng nghề gỗ: Giảm rủi ro và thúc đẩy phát triển trong tương lai” do VIFOREST và tổ chức Forest Trends tổ chức, bà Đàm Thị Én – Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ làng nghề Vạn Điểm (Hà Nội) cho hay: Các loại gỗ quý như gõ, gụ trong nước đang cạn kiệt, việc nhập khẩu gỗ từ Châu Phi đang tăng mạnh trong 5 năm gần đây và chiếm tới trên 90% tỉ lệ gỗ nhập khẩu.

“Tôi đánh giá cao sự chuyển dịch sử dụng gỗ “Tây” nhập khẩu hợp pháp cho các ngôi nhà Việt”- bà Én phát biểu.

TS.Tô Xuân Phúc – chuyên gia phân tích của Tổ chức Forest Trends cho rằng, các doanh nghiệp gỗ nên coi việc hỗ trợ các hộ làng nghề là thực hiện trách nhiệm cộng đồng (ví dụ Quỹ Việt Nam xanh), từ đó tìm kiếm cơ hội hợp tác cụ thể với các hộ; hợp tác dựa trên nguyên tắc công bằng, cùng có lợi, dựa trên các thế mạnh của mỗi bên. Nên coi hợp phần thị trường nội địa là hợp phần không thể tách rời của ngành gỗ, trực tiếp tác động tới hợp phần xuất khẩu.

“Ở góc độ cơ quan quản lý, cần quan tâm nhiều hơn tới các hộ làng nghề. Chính phủ đã cam kết kiểm soát chặt chẽ thị trường nội địa. Cần có cơ chế chính sách riêng nhằm hỗ trợ các làng nghề gỗ; có chính sách, cơ chế hỗ trợ hình thành liên kết giữa công ty và các hộ làng nghề. Đặc biệt, cần truyền thông thay đổi thói quen người tiêu dùng trong việc sử dụng gỗ quý. Ưu tiên sử dụng các sản phẩm hình thành do liên kết thông qua mua sắm công“- TS.Tô Xuân Phúc nhấn mạnh.

Nguồn: Báo Lao Động


BÀI VIẾT LIÊN QUAN