Khôi phục chuỗi cung ứng xuất khẩu và đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu sản phẩm đồ gỗ sau Covid-19

Thời gian qua, kinh tế thế giới và Việt Nam gặp nhiều khó khăn, thách thức do tác động của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, với sự nỗ lực vượt bậc của các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng trong việc khắc phục khó khăn để duy trì sản xuất, linh hoạt tìm kiếm, mở rộng thị trường kết hợp với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, sự vào cuộc của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương, hoạt động xuất khẩu của nước ta vẫn đạt kết quả tích cực.

Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 9 tháng đầu năm 2021 đạt gần 11,2 tỷ USD, Việt Nam là quốc qia đứng đầu Đông Nam Á, xếp thứ 2 Châu Á và đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, trong đó Đồng Nai là tỉnh có ngành chế biến gỗ và xuất khẩu đứng thứ 2 cả nước. Mặc dù vậy, do chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, chuỗi cung ứng vẫn bị gián đoạn, nhiều doanh nghiệp đang đối diện với rủi ro không có hàng đế xuất khẩu, từ đó, không tận dụng được các cơ hội do phục hồi kinh tế và tiêu dùng thế giới đem lại.

Bộ Công Thương đã tổ chức rà soát, phân tích, đánh giá dung lượng thị trường tiềm năng đối với 9 nhóm/mặt hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trên 14 khu vực/thị trường xuất khẩu trọng điểm. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến các khu vực thị trường là đối tác của Việt Nam trong các FTA.

Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 9 tháng đầu năm 2021 đạt gần 11,2 tỷ USD, Việt Nam là quốc qia đứng đầu Đông Nam Á, xếp thứ 2 Châu Á và đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ

 

Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai thông tin đến quý doanh nghiệp về tiềm năng xuất khẩu của các thị trường cũng như khuyến nghị những hình thức xúc tiến xuất khẩu phù hợp đối  với sản phẩm đồ gỗ Việt Nam như sau:

I. Tiềm năng khai thác thị trường xuất khẩu hậu Covid-19 đối với sản phẩm đồ gỗ Việt Nam

Theo số liệu thống kê của ITC-WTO và phương pháp đo lường tiềm năng thị trường của ITC, Bộ Công Thương xác định tiềm năng xuất khẩu của sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu của Việt Nam vào các khu vực thị trường cần tập trung khai thác, đặc biệt là các thị trường có FTA thời gian tới như sau:

Hoa Kỳ

  • Tổng nhu cầu nhập khẩu đồ gỗ của Hoa Kỳ năm 2020 là 24,24 tỷ USD, chiếm 28,4% giá trị nhập khẩu toàn cầu.
  • Kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam vào Hoa Kỳ năm 2020 là 567 triệu USD, chiếm 35,3% tổng kim ngạch nhập khẩu của Hoa Kỳ.
  • Những mặt hàng Việt Nam có khả năng xuất khẩu gồm: Ghế ngồi có khung bằng gỗ (HS: 940169, dung lượng thị trường còn khả năng khai thác là 22%); Đồ nội thất bằng gỗ phòng bếp (HS: 940340, dung lượng thị trường còn khả năng khai thác là 22%); Gỗ dán, tấm gỗ dán ván lạng và các tấm ván gỗ ép tương tự (HS: 4412, dung lượng thị trường còn khả năng khai thác là 5%); Đồ gỗ nội thất khác (HS: 940360, dung lượng thị trường còn khả năng khai thác là 2%).

Chứng chỉ/điều kiện xuất khẩu sang Hoa Kỳ:

  • + Tất cả sản phẩm khi nhập khẩu đều phải có giấy chứng nhận quốc tế  ISO 9002 và HACCP.
  • Nhà xuất khẩu phải có Hồ sơ lâm sản. Đây là chứng từ bắt buộc đối với hồ sơ xuất khẩu gỗ và sản phẩm lâm sản nói chung. Ngoài ra nhà xuất khẩu phải đặc biệt lưu ý đến nguồn gốc hợp pháp của gỗ khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Lưu ý khác: Dự kiến, doanh số bán đồ nội thất và bộ đồ giường ngủ của Hoa Kỳ sẽ đạt 143 tỷ USD trong 5 năm tới, tăng gần 25,5% kể từ năm 2020. Trong đó, sản phẩm sofa sẽ đạt doanh thu 22 tỷ USD, giường ngủ ở mức 21 tỷ USD; các dòng nội thất cho phòng trẻ em, giải trí, phòng ăn, nhà bếp đều tăng trên 20%. Thị trường nhà ở Hoa Kỳ tăng trưởng mạnh, kéo theo nhu cầu về đồ nội thất gia đ nh tăng. Đây là cơ hội lớn cho các thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ, trong đó có Việt Nam. Nhu cầu về văn phòng tại nhà vẫn cao do người đi làm và học sinh, sinh viên làm việc, học tập tại nhà. Bàn, ghế, tủ tài liệu và tủ sách là những sản phẩm quan trọng cho không gian làm việc chuyên nghiệp tại nhà. Bàn điều khiển tivi, bàn cafe vẫn là những mặt hàng trọng tâm đối với hạng mục phòng khách. Bàn ghế ăn thông dụng vẫn là mặt hàng bán chạy bởi nhiều gia đ nh dành nhiều thời gian hơn để ăn uống và giải trí tại nhà…

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, tăng trưởng trong xuất khẩu của ngành gỗ còn tiềm ẩn một số khía cạnh chưa bền vững, thậm chí rủi ro, đặc biệt là các vấn đề có liên quan đến tính hợp pháp của gỗ nguyên liệu đầu vào nguồn gốc từ nhập khẩu và gian lận thương mại. Do lượng gỗ rủi ro nhập khẩu vào Việt Nam hàng năm vẫn rất lớn; gian lận thương mại trong khâu xuất, nhập khẩu và đầu tư nước ngoài. Đáng chú ý, một số mặt hàng bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp cao ở các nước khác, đã và đang có xu hướng chuyển dịch sang Việt Nam như mặt hàng tủ bếp, tủ nhà tắm hay mặt hàng ghế ngồi bọc nệm.

2. Trung Quốc

  • Tổng nhu cầu nhập khẩu đồ gỗ của Trung Quốc năm 2020 là 3,6 tỷ USD, chiếm 4,2% giá trị nhập khẩu toàn cầu.
  • Kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam vào Trung Quốc năm 2020 là 241,7 triệu USD, chiếm 34,6% tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc.
  • Những mặt hàng Việt Nam có khả năng xuất khẩu gồm: Dăm gỗ (HS: 440122, dung lượng thị trường còn khả năng khai thác là 58%); Gỗ xẻ (HS: 440799, dung lượng thị trường còn khả năng khai thác là 52%); Đồ gỗ nội thất phòng ngủ (HS: 940350, dung lượng thị trường còn khả năng khai thác là 75%); Ghế ngồi có khung bằng gỗ (HS: 940169, dung lượng thị trường còn khả năng khai thác là 67%); Đồ gỗ nội thất khác (HS: 940360, dung lượng thị trường còn khả năng khai thác là 73%).
  • Chứng chỉ/điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc:

Giấy phép nhập khẩu: Hàng hóa khi nhập khẩu vào Trung Quốc cần xin giấy phép nhập khẩu. Đơn đăng ký hoặc xin cấp phép nhập khẩu thường được gửi đến Bộ Thương mại hoặc các đơn vị địa phương có thẩm quyền.

3. Nhật Bản

  • Tổng nhu cầu nhập khẩu đồ gỗ của Nhật Bản năm 2020 là 5 tỷ USD, chiếm 5,9% giá trị nhập khẩu toàn cầu.
  • Kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam vào Nhật Bản năm 2020 là 124,8 triệu USD, chiếm 22,5% tổng kim ngạch nhập khẩu của Nhật Bản.
  • Những mặt hàng Việt Nam có khả năng xuất khẩu gồm: Dăm gỗ (HS: 440122, dung lượng thị trường còn khả năng khai thác là 16%); Đồ gỗ nội thất phòng ngủ (HS: 940350, dung lượng thị trường còn khả năng khai thác là 17%); Gỗ dán, tấm gỗ dán ván lạng và các tấm ván gỗ ép tương tự (HS: 4412, dung lượng thị trường còn khả năng khai thác là 67%); Đồ gỗ nội thất khác (HS: 940360, dung lượng thị trường còn khả năng khai thác là 26%).

Chứng chỉ/điều kiện xuất khẩu:

  • Quy định chất lượng thương mại và ghi nhãn mác: Nhật Bản đòi hỏi sản phẩm nhập khẩu phải tuân thủ các quy định trong Luật vệ sinh Thực phẩm, Luật tiêu chuẩn Nông nghiệp của Nhật Bản và Luật đo lường.
  • Chứng nhận Nông sản xuất khẩu: chứng nhận về môi trường, chứng nhận ISO 14001, chứng nhận về xã hội (FairTrade, SA 8000).

4. Hàn Quốc

  • Tổng nhu cầu nhập khẩu đồ gỗ của Hàn Quốc năm 2020 là 2,03 tỷ USD, chiếm 2,4% giá trị nhập khẩu toàn cầu.
  • Kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam vào Hàn Quốc năm 2020 là 818,3 triệu USD, chiếm 40,2% tổng kim ngạch nhập khẩu của Hàn Quốc.
  • Những mặt hàng Việt Nam có khả năng xuất khẩu gồm: Đồ gỗ nội thất phòng ngủ (HS: 940350, dung lượng thị trường còn khả năng khai thác là 66%); Ghế khác, có khung bằng gỗ, đã nhồi đệm (HS: 940161, dung lượng thị trường còn khả năng khai thác là 48%); Đồ nội thất văn phòng (HS: 940330, dung lượng thị trường còn khả năng khai thác là 53%); Đồ gỗ nội thất khác (HS: 940360, dung lượng thị trường còn khả năng khai thác là 68%).

5. EU

  • Tổng nhu cầu nhập khẩu đồ gỗ của EU năm 2020 là 24,85 tỷ USD, chiếm 29,2% giá trị nhập khẩu toàn cầu.
  • Kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam vào EU năm 2020 là 535 triệu USD, chiếm 2,2% tổng kim ngạch nhập khẩu của EU và 3,34% tổng giá trị nhập khẩu từ thị trường ngoại khối. Xuất khẩu đồ nội thất phòng khách và phòng ăn của Việt Nam dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu tới thị trường EU trong những tháng đầu năm 2021, tuy nhiên so với nhu cầu nhập khẩu trung bình 24,2 tỷ USD/năm trong giai đoạn năm 2016 – 2020 thì kim ngạch xuất khẩu đồ nội thất phòng khách và phòng ăn của Việt Nam tới EU vẫn còn thấp. Do đó, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này trong thời gian tới.
  • Những mặt hàng gỗ Việt Nam có khả năng xuất khẩu gồm: Đồ gỗ nội thất phòng ngủ (HS: 940350, dung lượng thị trường còn khả năng khai thác là 74%); Ghế khác, có khung bằng gỗ, đã nhồi đệm (HS: 940161, dung lượng thị trường còn khả năng khai thác là 73%); Đồ nội thất bằng gỗ phòng bếp (HS: 940340, dung lượng thị trường còn khả năng khai thác là 66%); Ghế ngồi có khung bằng gỗ (HS: 940169, dung lượng thị trường còn khả năng khai thác là 48%); Đồ gỗ nội thất khác (HS: 940360, dung lượng thị trường còn khả năng khai thác là 36%).

Các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hàng gỗ và sản phẩm gỗ vào EU:

  • Thực thi Luật pháp, Quản lý và Thương mại lâm sản (FLEGT)
  • Quy chế Gỗ của EU (EUTR)

Quy chế này nghiêm cấm việc đưa vào thị trường các nguyên liệu gỗ khai thác trái phép hoặc các sản phẩm làm từ những nguyên liệu này. EUTR áp dụng trên toàn bộ thị trường của khối Liên minh.

EUTR yêu cầu đơn vị nhập khẩu phải thực hiện hệ thống trách nhiệm giải trình để giảm thiểu rủi ro đưa gỗ bất hợp pháp vào EU. Hệ thống trách nhiệm giải trình bao gồm ba yêu cầu chính: Cung cấp nguồn truy cập thông tin về nguồn gốc gỗ, đánh giá rủi ro về gỗ bất hợp pháp trong chuỗi cung ứng, biện pháp giảm thiểu rủi ro đã được xác định.

Gỗ và các sản phẩm gỗ có giấy phép của FLEGT hoặc của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) được coi là tuân thủ các yêu cầu của quy định này và được nhập vào thị trường EU mà không cần thực hiện trách nhiệm giải trình nguồn gốc gỗ.

+ Dấu CE đối với các sản phẩm gỗ được sử dụng trong xây dựng

Gỗ hoặc các sản phẩm gỗ được sử dụng trong các công trình xây dựng sẽ phải được gắn dấu CE; áp dụng cho cửa sổ, cửa ra vào, khung, sàn công nghiệp và sàn gỗ, cầu thang, gỗ dán, gỗ dán (ván ép), gỗ ốp và gỗ kết.

+ Quy định về Đăng ký, đánh giá, cấp phép và hạn chế hóa chất trong gỗ (REACH)

Các chất bảo quản asen, creosote và thủy ngân được sử dụng để ngăn ngừa phân hủy và cải thiện độ bền của gỗ, đặc biệt là sử dụng trong các ứng dụng ngoài trời. Quy định REACH không cho phép sử dụng các chất bảo quản này, trừ một số trường hợp ngoại lệ như gỗ được sử dụng trong lắp đặt công nghiệp hoặc làm tà vẹt đường sắt.

Châu Âu áp dụng một số hạn chế đối với gỗ và các sản phẩm gỗ (ví dụ: cửa ra vào, khung cửa sổ và các bộ phận sàn) được xử lý bằng một số loại dầu, vecni keo và sơn mài có thể chứa các chất có hại. Các sản phẩm sơn không được đưa ra thị trường nếu nồng độ cadmium bằng hoặc lớn hơn 0,1% trọng lượng của sơn trên vật phẩm được sơn. Ngoài ra cũng có những hạn chế cho việc sử dụng hóa chất trong chế biến.

6. Liên Bang Nga

  • Tổng nhu cầu nhập khẩu đồ gỗ của Liên Bang Nga năm 2020 là 539,6 triệu USD, chiếm 0,6% giá trị nhập khẩu toàn cầu.
  • Kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam vào Liên Bang Nga năm 2020 là 11,3 triệu USD, chiếm 2,1% tổng kim ngạch nhập khẩu của thị trường này.
  • Những mặt hàng Việt Nam có khả năng xuất khẩu gồm: Đồ gỗ nội thất phòng ngủ (HS: 940350, dung lượng thị trường còn khả năng khai thác là 96%); Đồ gỗ nội thất khác (HS: 940360, dung lượng thị trường còn khả năng khai thác là 75%).

7. ASEAN

  • Tổng nhu cầu nhập khẩu đồ gỗ của ASEAN năm 2020 là 2,88 tỷ USD, chiếm 3,4% giá trị nhập khẩu toàn cầu.
  • Kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam vào ASEAN năm 2020 là 200,1 triệu USD, chiếm 7% tổng kim ngạch nhập khẩu của thị trường này.
  • Những mặt hàng Việt Nam có khả năng xuất khẩu gồm: Đồ gỗ nội thất phòng ngủ (HS: 940350, dung lượng thị trường còn khả năng khai thác là 94%); Ghế ngồi có khung bằng gỗ (HS: 940169, dung lượng thị trường còn khả năng khai thác là 90%); Gỗ dán, tấm gỗ dán ván lạng và các tấm ván gỗ ép tương tự (HS: 4412, dung lượng thị trường còn khả năng khai thác là 33%); Đồ gỗ nội thất khác (HS: 940360, dung lượng thị trường còn khả năng khai thác là 92%).

8. Ấn Độ

  • Tổng nhu cầu nhập khẩu đồ gỗ của Ấn Độ năm 2020 là 339,1 triệu USD, chiếm 0,4% giá trị nhập khẩu toàn cầu.
  • Kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam vào Ấn Độ năm 2020 là 25 triệu USD, chiếm 7,4% tổng kim ngạch nhập khẩu của thị trường này.
  • Những mặt hàng Việt Nam có khả năng xuất khẩu gồm: Đồ gỗ nội thất phòng ngủ (HS: 940350, dung lượng thị trường còn khả năng khai thác là 100%); Đồ gỗ nội thất khác (HS: 940360, dung lượng thị trường còn khả năng khai thác là 98%).

9. Úc

  • Tổng nhu cầu nhập khẩu đồ gỗ của Úc năm 2020 là 1,87 tỷ USD, chiếm 2,2% giá trị nhập khẩu toàn cầu.
  • Kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam vào Úc năm 2020 là 179,3 triệu USD, chiếm 9,6% tổng kim ngạch nhập khẩu của Úc.
  • Những mặt hàng Việt Nam có khả năng xuất khẩu gồm: Đồ gỗ nội thất phòng ngủ (HS: 940350, dung lượng thị trường còn khả năng khai thác là 57%); Đồ gỗ nội thất khác (HS: 940360, dung lượng thị trường còn khả năng khai thác là 27%).

10.  New Zealand

  • Tổng nhu cầu nhập khẩu đồ gỗ của New Zealand năm 2020 là 296,3 triệu USD, chiếm 0,3% giá trị nhập khẩu toàn cầu.
  • Kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam vào New Zealand năm 2020 là 33,4 triệu USD, chiếm 11,3% tổng kim ngạch nhập khẩu của New
  • Những mặt hàng Việt Nam có khả năng xuất khẩu gồm: Đồ gỗ nội thất phòng ngủ (HS: 940350, dung lượng thị trường còn khả năng khai thác là 42%); Đồ gỗ nội thất khác (HS: 940360, dung lượng thị trường còn khả năng khai thác là 25%).

11.  Canada

  • Tổng nhu cầu nhập khẩu đồ gỗ của Canada năm 2020 là 2,42 tỷ USD, chiếm 2,8% giá trị nhập khẩu toàn cầu.
  • Kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam vào Canada năm 2020 là 331,4 triệu USD, chiếm 13,7% tổng kim ngạch nhập khẩu của thị trường này. Việt Nam đang có lợi thế về giá và chất lượng đồ gỗ nội thất, hiện mới chiếm gần 4% thị phần nhập khẩu của Canada. Thuế dành cho mặt hàng đồ gỗ nội thất sang Canada trong CPTPP được giảm từ 9,5% xuống 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực (trừ ghế gỗ dùng trong nhà thuế giảm dần về 0% sau 6 năm). Việt Nam là nhà xuất khẩu lớn nhất về đồ gỗ phòng ngủ vào Canada (chiếm gần 30% thị phần). Canada đang tiêu thụ 166 triệu USD đồ gỗ của Việt Nam. Canada có nhiều doanh nghiệp sản xuất và cung cấp sản phẩm đồ gỗ cho toàn bộ thị trường Bắc Mỹ và đang quan tâm nhiều đến đồ gỗ cung cấp cho khách sạn cao cấp tại Hoa Kỳ và
  • Những mặt hàng Việt Nam có khả năng xuất khẩu gồm: Ghế khác, có khung bằng gỗ, đã nhồi đệm (HS: 940161, dung lượng thị trường còn khả năng khai thác là 57%); Đồ gỗ nội thất khác và bộ phận của chúng (HS: 940390, dung lượng thị trường còn khả năng khai thác là 48%); Ghế ngồi có khung bằng gỗ (HS: 940169, dung lượng thị trường còn khả năng khai thác là 50%); Đồ gỗ nội thất khác (HS: 940360, dung lượng thị trường còn khả năng khai thác là 40%).
  • Lưu ý khác: Sản phẩm gỗ xuất sang Canada nên chú trọng đến chất liệu chịu được tác động của thay đổi khí hậu, thời tiết. Màu sắc, chất lượng hàng giao phải đúng với mẫu mã, nếu có thay đổi phải báo trước. Khi gặp hỏng hóc, gãy đổ trong quá trình vận chuyển cần nhanh chóng khắc phục. Đồ gỗ nội thất là mặt hàng có khả năng phát triển ở Canada trong mối quan hệ có đi có lại giữa ngành công nghiệp 2 nước thông qua việc hợp tác giữa các hiệp hội gỗ Canada và hiệp hội gỗ Việt Nam. Các công ty sản xuất đồ nội thất Việt Nam có thể mua gỗ từ Canada làm nguyên liệu sản xuất sản phẩm xuất khẩu ra toàn thế giới, trong đó có

12.  Mexico

  • Tổng nhu cầu nhập khẩu đồ gỗ của Mexico năm 2020 là 557 triệu USD, chiếm 0,7% giá trị nhập khẩu toàn cầu.
  • Kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam vào Mexico năm 2020 là 37,6 triệu USD, chiếm 6,8% tổng kim ngạch nhập khẩu của thị trường này. Trong CPTPP, Mexico cam kết về thuế quan đối với gỗ và các sản phẩm gỗ Việt Nam theo 02 nhóm: (i) xoá bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với đa số (102/169) các dòng thuế gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam và (ii) cắt giảm và xoá bỏ thuế quan theo lộ trình 5 năm (11/169 dòng thuế như một số loại gỗ dán, nút và nắp đậy bằng gỗ…), hoặc 10 năm (56/169 dòng thuế như gậy tre, đã hoặc chưa tiện tròn; gỗ ván và viền dải gỗ trang trí để làm sàn; ván dăm, ván dăm định hướng và các loại ván tương tự; khung ảnh bằng gỗ; thùng gỗ; cửa sổ và cửa ra vào; đồ nội thất bằng gỗ…) kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. So sánh với mức thuế MFN mà Mexico áp dụng trước đó cho tất cả các nước thành viên WTO (6,36% đối với các sản phẩm gỗ Chương 44; 12,5% đối với đồ nội thất bằng gỗ có mã HS. 9403.30-60), có thể thấy CPTPP mang lại lợi ích thuế đáng kể cho gỗ và các sản phẩm gỗ Việt Nam xuất khẩu sang
  • Những mặt hàng gỗ Việt Nam có khả năng xuất khẩu gồm: Bộ phận của ghế (HS: 940190, dung lượng thị trường còn khả năng khai thác là 93%); Đồ gỗ nội thất khác (HS: 940360, dung lượng thị trường còn khả năng khai thác là 61%).

13.  Châu Phi

  • Tổng nhu cầu nhập khẩu đồ gỗ của Châu Phi năm 2020 là 1,55 tỷ USD, chiếm 1,8% giá trị nhập khẩu toàn cầu.
  • Kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam vào Nam Phi năm 2020 là 14 triệu USD, chiếm 0,9% tổng kim ngạch nhập khẩu của khu vực thị trường này.
  • Những mặt hàng Việt Nam có khả năng xuất khẩu gồm: Đồ gỗ nội thất phòng ngủ (HS: 940350, dung lượng thị trường còn khả năng khai thác là 93%); Đồ gỗ nội thất khác (HS: 940360, dung lượng thị trường còn khả năng khai thác là 84%).

14.  Trung Đông

  • Tổng nhu cầu nhập khẩu đồ gỗ của Trung Đông năm 2020 là 4,7 tỷ USD, chiếm 5,5% giá trị nhập khẩu toàn cầu.
  • Với thị trường Trung Đông, kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam vào Châu Phi năm 2020 là 112,8 triệu USD, chiếm 2,4% tổng kim ngạch nhập khẩu của khu vực thị trường này, trong đó Ả rập Xê Út và UAE lần lượt là 38,2 và 21,9 triệu
  • Những mặt hàng Việt Nam có khả năng xuất khẩu gồm: Ghế khác, có khung bằng gỗ, đã nhồi đệm (HS: 940161, dung lượng thị trường còn khả năng khai thác là 80%); Đồ gỗ nội thất khác và bộ phận của chúng (HS: 940390, dung lượng thị trường còn khả năng khai thác là 87%); Đồ gỗ nội thất khác (HS: 940360, dung lượng thị trường còn khả năng khai thác là 86%).

II.     Khuyến nghị những hình thức Xúc tiến xuất khẩu phù hợp đối với sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu

Tăng cường tuyên truyền quảng bá nhằm giữ vững và phát triển hình ảnh về ngành gỗ xuất khẩu Việt Nam đã có trên thị trường quốc tế, đặc biệt thị trường Hoa Kỳ; tham gia hội chợ triển lãm chuyên ngành đồ gỗ nội ngoại thất có uy tín; mời các nhà nhập khẩu vào Việt Nam thăm quan nhà máy qua đó vừa quảng bá năng lực sản xuất, vừa phát triển quan hệ khách hàng và giao dịch đơn hàng; gia tăng đầu tư vào nghiên cứu, thiết kế mẫu mã, phát triển sản phẩm để nâng cao giá trị gia tăng xuất khẩu./.

======================================

Tài liệu tham khảo

Thông tin cụ thể về các quy định, tiêu chuẩn của EU đối với từng ngành hàng đề nghị tham khảo thêm tại Bộ tài liệu 09 ngành hàng hướng dẫn doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường EU đã được Vụ Thị trường châu Âu – châu Hoa Kỳ phát hành  năm  2020          (https://goglobal.moit.gov.vn/vi/phat-hanh-bo-tai-lieu-thong-tin-9-nganh-hang-xuat-khau-chu-luc-va-tiem-nang-sang-thi-truong-eu.html)

SP nhà gỗ của Công ty Cổ phần Tân Vĩnh Cửu TAVICO
SP nhà gỗ của Công ty Cổ phần Tân Vĩnh Cửu TAVICO

 

Sản xuất đồ gỗ tại Công ty ONP Việt Nam
Sản xuất đồ gỗ tại Công ty ONP Việt Nam
, , , , ,

BÀI VIẾT LIÊN QUAN