Đồng Nai là một trong 2 thủ phủ sản xuất gỗ lớn nhất trong cả nước. Với hàng ngàn doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất gỗ tập trung tại nhiều địa phương trong tỉnh, ngành gỗ Đồng Nai đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế tỉnh nhà. Những năm qua, sản xuất gỗ tiếp tục tăng trưởng nhanh nhưng ngày càng đối mặt với nhiều khó khăn, từ nguồn lao động chất lượng cao đến vốn, công nghệ và sự cạnh tranh gay gắt.
Để xây dựng được thương hiệu gỗ Việt mạnh trên thị trường, các DN phải liên kết lại với nhau tìm kế phát triển lâu dài. Xung quanh vấn đề này, ông LÊ XUÂN QUÂN, Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (Dowa), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kiến trúc và nội thất NaNo đã chia sẻ những quan điểm của mình với Đồng Nai cuối tuần.
Muốn vươn lên phải có thương hiệu
* Ngành sản xuất gỗ vừa trải qua quãng thời gian chịu nhiều ảnh hưởng do tác động của dịch bệnh Covid-19. Là chủ DN chuyên chế biến, xuất khẩu gỗ, ông đã trải qua quãng thời gian khó khăn đó như thế nào?
– Quả thực đã có những quãng thời gian cực kỳ khó khăn cho ngành sản xuất gỗ, đặc biệt là khoảng giữa năm 2021 vừa qua. Không chỉ ngành gỗ mà các DN sản xuất, kinh doanh khác cũng rất lao đao. Nhiều khu vực bị phong tỏa, cách ly vì dịch bệnh, có những thời điểm nhiều DN hội viên của chúng tôi chỉ còn phân nửa công nhân làm việc, thậm chí phải tạm ngưng sản xuất một thời gian vì quá nhiều người bị nhiễm Covid-19. Tôi cố gắng duy trì sản xuất “3 tại chỗ” cho một bộ phận anh em trong 1 ngàn lao động cũng là nỗ lực rất lớn.
Khó khăn rồi cũng dần trôi qua khi Đồng Nai từng bước mở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh và hơn hết là công nhân lao động được tỉnh ưu tiên tiêm vaccine ngừa Covid-19. Từ đó, DN có đà phát triển mạnh hơn trong những tháng cuối năm.
* Hiện tại, sản xuất gỗ đã qua được thách thức chưa, thưa ông?
– Lẽ dĩ nhiên, khó khăn chưa bao giờ kết thúc. Hiện nay khó khăn là đối mặt với nguồn cung ứng nguyên vật liệu cho sản xuất gỗ và giá cả các mặt hàng tăng cao, cùng với đó là cước phí vận chuyển “ăn mòn” lợi nhuận của DN. Những khó khăn cố hữu lâu nay như: năng lực cạnh tranh thấp, thiếu vốn đầu tư cho công nghệ và nhân lực đảm nhận khâu thiết kế sản phẩm. Việc xây dựng nhãn hàng riêng để xuất khẩu cũng khó khăn. Đó là chưa kể thị trường gỗ của Việt Nam ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn về nguồn gốc xuất xứ, yêu cầu về bảo vệ môi trường… Những hạn chế đó làm giảm giá trị gia tăng của ngành gỗ.
* Ông nhận định như thế nào về cơ hội khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp đối với ngành sản xuất gỗ ở Việt Nam hiện nay?
– Cơ hội vẫn rất lớn khi ngành gỗ Việt Nam so với trước đây đã có vị thế hơn trên thị trường quốc tế. Đó cũng là sự thuận lợi nhất định cho các bạn trẻ khi theo đuổi ngành sản xuất này để xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, so với thế hệ chúng tôi và trước đây, có vẻ như thế hệ kế cận không có nhiều sự quan tâm bằng.
Đối với những người trẻ hiện nay, họ có trình độ, dễ tiếp thu cái mới, được đào tạo bài bản và có thể tự chủ, chủ động trong các khâu thiết kế sản phẩm cũng như các lĩnh vực hỗ trợ sản xuất cho ngành. Điều quan trọng là làm sao để thúc đẩy, khuyến khích người trẻ có sự quan tâm hơn với ngành. Đó là câu chuyện dài hơi, từ xây dựng chiến lược đến quy hoạch, đào tạo nghề và trong đó có cả vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng nữa. Chúng tôi rất mong muốn báo chí góp phần tác động để cải thiện tình hình, đưa người trẻ đến gần hơn, quan tâm ngày càng nhiều hơn đến ngành sản xuất gỗ.
Các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết với các đối tác sẽ mang lại những thuận lợi và thử thách gì cho ngành gỗ ở chặng đường tiếp theo, thưa ông?
– Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) có ảnh hưởng rất lớn. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức đến ngành chế biến gỗ. Đồng thời, tình hình thế giới có nhiều biến động như hiện nay cũng là một vấn đề đáng quan tâm.
Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai đã bước đầu phối hợp với Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cùng các hiệp hội địa phương đề xuất các giải pháp xây dựng các hàng rào kỹ thuật trong sản xuất gỗ. Điều này nhằm ngăn chặn gian lận thương mại, “núp bóng” đại diện là người Việt Nam để trục lợi. Chúng tôi sẽ tiếp tục truyền thông rộng rãi các đạo luật, quy định của thị trường quốc tế, Việt Nam để các DN hoạt động ngày càng chuyên nghiệp hơn.
Cần có thêm các khu, cụm công nghiệp cho ngành sản xuất gỗ
* Thực tế là hầu hết các nhà máy sản xuất gỗ còn nằm phía ngoài khu, cụm công nghiệp, thậm chí xen kẽ khu dân cư. Ông đánh giá thế nào về điều này?
– Đây là một hạn chế đã tồn tại nhiều năm đối với ngành sản xuất gỗ trong tỉnh. Đồng Nai hiện có hàng ngàn DN chế biến gỗ nhưng chỉ có chưa đến 30% DN có nhà máy đặt trong các khu và cụm công nghiệp. Như vậy số nhà máy còn đóng phía ngoài khu dân cư chiếm tỷ lệ khá lớn, nhất là khu vực sản xuất gỗ truyền thống ở Tân Hòa, Tân Biên (TP.Biên Hòa)…
Đây cũng là vấn đề đặt ra cho ngành gỗ Đồng Nai trong việc quy hoạch khu, cụm công nghiệp để đảm bảo cho các DN có hạ tầng sản xuất tốt, điều kiện sản xuất kinh doanh ổn định và không gây ô nhiễm môi trường.
* Thời gian qua, ngành gỗ trong tỉnh đã có những biện pháp gì để từng bước gỡ khó thực trạng trên, thưa ông?
– Trước đây, một số DN trong Dowa đã hợp tác để xây dựng hạ tầng một cụm công nghiệp ở H.Vĩnh Cửu để tập trung một số cơ sở sản xuất gỗ vào khu vực này. Hiện nay, việc triển khai xây dựng hạ tầng đang tiếp tục, tuy nhiên chỉ có một cụm chuyên biệt thì không đủ bởi Đồng Nai có hàng ngàn DN ngành gỗ.
Dư địa phát triển ngành gỗ còn rất lớn nhưng thiếu mặt bằng cho sản xuất nên chúng tôi đã xây dựng kế hoạch, đề xuất Chính phủ cũng như tỉnh cho phép nghiên cứu, quy hoạch một khu vực để xây dựng khu công nghiệp tập trung cho ngành gỗ. Dự kiến sẽ có thêm một khu lâm nghiệp công nghệ cao với diện tích đủ lớn để có thể triển khai những giải pháp nhằm hiện đại hóa ngành sản xuất gỗ của Đồng Nai cũng như quy tụ các DN sản xuất có tên tuổi, đủ năng lực vào hoạt động.
* Được biết, ông cũng như đại diện các DN ngành gỗ Đồng Nai đang đặt ra khẩu hiệu Kéo thế giới gỗ về Đồng Nai. Ông có thể chia sẻ rõ thêm quan điểm này?
– Đồng Nai là một trong 2 địa phương sản xuất, xuất khẩu gỗ lớn nhất cả nước. Điều đặc biệt, bên cạnh xuất khẩu thì còn có sự cân bằng của thị trường nội địa. Rất nhiều DN trong làng nghề gỗ Tân Hòa đang phát triển gỗ nội thất để phục vụ thị trường trong nước. Đồng Nai còn có những DN phân phối nguyên liệu gỗ có quy mô lớn. Những điều này có thể tạo điều kiện để nâng cao sức hấp dẫn của ngành sản xuất gỗ địa phương.
Nhiều năm lăn lộn trong ngành, điều chúng tôi mong muốn không chỉ dừng ở việc kiếm tiền cho mỗi cá nhân doanh nghiệp nữa, mà thực sự mong muốn xây dựng một khu vực triển lãm, phân phối gỗ lớn cho cả nước và các nước trong khu vực nhằm khẳng định vị thế của ngành gỗ Việt Nam. Bên cạnh đó, việc xây dựng sàn thương mại điện tử cho ngành gỗ cũng sẽ tiếp tục được thực hiện và sớm ra mắt trong tương lai.
* Xin cảm ơn ông!
Công ty CP Kiến trúc và nội thất NaNo được thành lập vào năm 2006. NaNo đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành của Việt Nam. Hiện tại, NaNo sở hữu nhà máy hiện đại quy mô lớn có trụ sở tại Đồng Nai, Hưng Yên, với hệ thống gần 1 ngàn công nhân chất lượng cao, cũng như các nhà thiết kế và kiến trúc sư giàu kinh nghiệm. 2 năm qua, dù đối mặt với hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh, NaNo vẫn liên tục tăng trưởng về xuất khẩu đồ gỗ sang các thị trường Âu, Mỹ. Bên cạnh đó, DN còn đẩy mạnh phát triển lĩnh vực thiết kế, thi công nội thất tại thị trường trong nước.
Nguồn: Báo Đồng Nai