Đồng Nai: Kết quả xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 9 tháng đầu năm 2021, giải pháp phục hồi ngành gỗ để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu năm 2021 đạt 1,8 tỷ USD.

Đến hết tháng 9 năm 2021 bức tranh cung – cầu gỗ và sản phẩm gỗ trên thế giới vẫn còn nhiều biến động, chủ yếu là do tác động của đại dịch COVID-19 gây ra. Đồng Nai là một trong những tỉnh trọng điểm của cả nước về chế biến xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, sau đây sẽ là cập nhật tình hình xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam nói chung, của tỉnh Đồng Nai nói riêng trong 9 tháng đầu năm 2021 và một số giải pháp phục hồi ngành gỗ trong hơn 2 tháng còn lại của năm để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tỉnh Đồng Nai đạt 1,8 tỷ USD trong năm 2021.

Theo số liệu báo cáo của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), Việt Nam là quốc qia đứng đầu Đông Nam Á, xếp thứ 2 Châu Á và đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu Gỗ và sản phẩm Gỗ. Kim ngạch xuất khẩu (KNXK) 9 tháng đầu năm 2021 đạt gần 11,2 tỷ USD. Tỉnh Đồng Nai, chế biến gỗ là một trong những ngành công nghiệp quan trọng của tỉnh, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đứng thứ ba và chiếm 9,5 % KNXK của tỉnh, chiếm 13% KNXK gỗ cả nước.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021 KNXK gỗ và sản phẩm gỗ tỉnh Đồng Nai đạt hơn 1,1 tỷ USD, tăng 73% so với cùng kỳ năm 2020. Quý III/2021 KNXK đạt 0,35 tỷ USD. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021 KNXK gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,45 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2020, đạt hơn 80% kế hoạch năm 2021. Tuy nhiên từ kết quả trên ta thấy rằng nếu so sánh giá trị KNXK bình quân/tháng trong quý III/2021 đã giảm 37% so với giá trị KNXK bình quân/tháng trong 6 tháng đầu năm 2021. Kết quả KNXK giảm sâu trong quý III/2021 là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 lần thứ tư, với thực tế việc giãn cách xã hội để kiểm soát tình hình dịch bệnh, các trung tâm chế biến gỗ lớn như Đồng Nai, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Bình Định đã bị ảnh hưởng nặng nề, tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng, làm suy giảm đơn hàng, cắt giảm lao động, thu hẹp hoặc đóng cửa nhiều nhà máy chế biến.

Tuy vậy, kết quả đạt được như trên cũng là một nỗ lực vô cùng lớn, ngoài số doanh nghiệp buộc phải đóng cửa, số doanh nghiệp còn lại đã duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh bằng phương án “ba tại chỗ” mặc dù chi phí phát sinh rất nhiều, các doanh nghiệp cũng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong việc quản trị, có sự thay đổi rất lớn về mẫu mã và phong cách bán hàng, đã bắt kịp những tiêu chuẩn xuất khẩu, chủ động marketing sản phẩm, ứng dụng các thành quả mới về công nghệ tự động trong điều hành và sản xuất trực tiếp nên đã giữ chân được khách hàng, tránh đứt gãy hoàn toàn các đơn hàng, giữ lại được nguồn lao động chủ chốt, ổn định thị trường đầu ra của sản phẩm.

Để hoàn thành mục tiêu KNXK gỗ và sản phẩm gỗ tỉnh Đồng Nai đạt 1,8 tỷ USD trong năm 2021, gần 20% giá trị KNXK trong 3 tháng còn lại của năm, một số giải pháp cấp bách phục hồi ngành gỗ như sau:
Thứ nhất, Các doanh nghiệp cần chuẩn bị tâm thế để sẵn sàng sản xuất kinh doanh trở lại với cường độ và hiệu quả cao, thích ứng được tình hình mới, ổn định sản xuất, tăng cường giao thương trực tuyến tìm các đối tác nước ngoài mở rộng xuất khẩu.

Thứ hai, Ngành gỗ của Việt Nam đang thu hút sự quan tâm chú ý của khách hàng, đối tác toàn cầu. Chính vì vậy, doanh nghiệp ngành gỗ cần phải nỗ lực, sáng tạo nâng cao công nghệ trong quá trình sản xuất sản phẩm, chú trọng tới xu hướng và nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, cần chủ động ngăn ngừa giả mạo xuất xứ, bởi các thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chủ lực của Việt Nam như Mỹ, EU, Canada…rất khắt khe về gian lận thương mại và trốn thuế.

Thứ ba, Cần có biện pháp tạo kênh liên kết, để kết nối các hãng tàu lớn trong và ngoài nước với nhau nhằm ổn định giá cước vận chuyển trong xuất nhập khẩu do chi phí logistics hiện đang rất cao làm giảm sức cạnh tranh, ảnh hưởng tới tăng trưởng của ngành gỗ.

Thứ tư, Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong điều kiện bình thường mới, nhất là về thu hút lao động trở lại làm việc, thủ tục xuất nhập cảnh với các chuyên gia nước ngoài để giúp doanh nghiệp sớm ổn định sản xuất.

Với một số giải pháp trên hy vọng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tỉnh Đồng Nai trong quý IV năm 2021 đạt kết quả tốt và hoàn thành mục tiêu xuất khẩu đạt 1,8 tỷ USD năm 2021.

Tổ chức xét nghiệp covid-19 tại doanh nghiệp đang thực hiện phương án ba tại chỗ " Nhà máy Công ty TNHH ONP Việt Nam" Cụm CN Tam Phước, TP Biên Hòa, Đồng Nai
Tổ chức xét nghiệp covid-19 tại doanh nghiệp đang thực hiện phương án ba tại chỗ “Nhà máy Công ty TNHH ONP Việt Nam” Cụm CN Tam Phước, TP Biên Hòa, Đồng Nai.

 

Doanh nghiệp đang thực hiện phương án ba tại chỗ "Nhà máy Công ty TNHH ONP Việt Nam" Cụm CN Tam Phước, TP Biên Hòa, Đồng Nai
Doanh nghiệp đang thực hiện phương án ba tại chỗ “Nhà máy Công ty TNHH ONP Việt Nam” Cụm CN Tam Phước, TP Biên Hòa, Đồng Nai

 

Dây chuyền sơn gỗ hiện đại Tại Công ty TNHH MTV Phú Tài Đồng Nai Khu CN Tam Phước, TP Biên Hòa, Đồng Nai
Dây chuyền sơn gỗ hiện đại tại Công ty TNHH MTV Phú Tài Đồng Nai Khu CN Tam Phước, TP Biên Hòa, Đồng Nai.

 

————————

Thực hiện bởi: Văn phòng Dowa


BÀI VIẾT LIÊN QUAN