Sáng 9/3, tại TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, UBND tỉnh Bình Định phối hợp với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định long trọng tổ chức Hội chợ Quốc tế hàng phong cách ngoài trời Quy Nhơn 2024 (Q-FAIR 2024).
Dự Lễ khai mạc có các đồng chí: Nguyễn Quốc Trị – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Lê Kim Toàn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định; Phạm Anh Tuấn Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định; đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương, một số tỉnh, thành phố, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam.
Đây là lần đầu tiên Hội chợ Quốc tế hàng phong cách ngoài trời được tổ chức tại TP. Quy Nhơn, Bình Định và dự kiến sẽ được tổ chức thường niên vào tháng 3 hàng năm. Hội chợ Q-FAIR 2024 có quy mô 1.000 gian hàng với sự tham gia của hơn 100 doanh nghiệp gỗ liên quan đến các sản phẩm ngoại thất và phục vụ phong cách sống hiện đại đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ như: Trung Quốc, Pháp, Tây Ban Nha, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia và Việt Nam cùng đông đảo khách tham quan trong nước và quốc tế.
Tại Hội chợ này, các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam nói chung và Bình Định nói riêng có thể dễ dàng tìm kiếm các cơ hội giao thương, thiết lập quan hệ hợp tác sâu rộng, lâu dài với các đối tác phù hợp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Đồng thời, Hội chợ cũng giúp cập nhật được những công nghệ máy móc thiết bị hiện đại, tiên tiến và tự động hoá phù hợp với thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 cho mục tiêu xuất khẩu 20 tỷ USD vào năm 2025 mà Thủ Tướng Chính Phủ đã đặt ra cho ngành gỗ Việt Nam.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm gỗ đã và đang trở thành một ngành kinh tế quan trọng, chủ lực trong nền kinh tế của Việt Nam. Mỗi năm, ngành gỗ Việt Nam xuất khẩu trung bình trên 10 tỷ USD, đưa Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn thứ 5 thế giới, thứ hai châu Á và đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Hiện nay, thị trường xuất khẩu đồ gỗ Việt đã được mở rộng đến 140 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Với nhiều lợi thế về vị trí địa lý, nguồn nguyên liệu, hạ tầng giao thông, lực lượng lao động và định hướng chiến lược phát triển kinh tế xã hội của chính quyền địa phương, tỉnh Bình Định đã thu hút được nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ quy mô lớn, đưa Bình Định trở thành một trong 4 trung tâm chế biến và xuất khẩu gỗ lớn nhất cả nước, ngành gỗ chiếm hơn 60% giá trị xuất khẩu của Bình Định. Đặc biệt, Bình Định ngày càng khẳng định ưu thế về các mặt hàng gỗ kỹ thuật, đồ gỗ ngoại thất trong chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế.
Ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh, theo một số tổ chức nghiên cứu quốc tế, thị trường đồ gỗ nội ngoại thất sẽ 644,10 tỷ USD vào năm 2030 và với tốc độ tăng trưởng kép là 5,7% trong giai đoạn 2022-2030, trong đó dự báo sự tăng trưởng khả quan của nhu cầu sử dụng đồ gỗ ngoài trời, xuất phát từ xu hướng người tiêu dùng thế giới ngày càng ưa chuộng các vật liệu có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với môi trường.
Phát biểu tại buổi Lễ, ông Phạm Anh Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, Bình Định hiện có diện tích đất rừng và đất lâm nghiệp khoảng 415.700 ha, với độ che phủ rừng hơn 57%. Toàn tỉnh có gần 10.000 ha rừng trồng cây gỗ lớn; diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) gần 15.000 ha (trong đó, diện tích rừng trồng gỗ lớn là hơn 7.600 ha). Dự kiến đến năm 2025, tổng diện tích rừng trồng cây gỗ lớn tập trung của tỉnh đạt 10.000 ha, diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ rừng là gần 16.000 ha; định hướng đến năm 2030, diện tích rừng trồng sản xuất cây gỗ lớn tập trung đạt trên 50.000 ha, tỷ lệ sản lượng gỗ lớn bình quân đạt trên 60%.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, cùng với định hướng phát triển rừng trồng gỗ lớn, Bình Định còn là một trong những địa phương có hoạt động chế biến, xuất khẩu gỗ lớn nhất trong cả nước, được mệnh danh là một trong những “thủ phủ ngành gỗ” của cả nước, là một trong các trung tâm phát triển các cụm liên kết ngành về chế biến gỗ và lâm sản, bởi hội đủ những điều kiện như: Vị trí thuận lợi là cửa ngõ của Tây Nguyên, kết nối chặt chẽ với các vùng nguyên liệu nối với cảng biển Quy Nhơn.
“Điều kiện thuận lợi này giúp Bình Định trở thành là một trong những tỉnh có số lượng lớn các nhà máy chế biến gỗ lớn nhất trong cả nước, tập trung ở Khu công nghiệp Phú Tài và Khu công nghiệp Long Mỹ, với khoảng 300 doanh nghiệp chế biến gỗ đang hoạt động, trong đó 245 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động, tổng vốn đầu tư khoảng 12.000 tỷ đồng”, ông Phạm Anh Tuấn thông tin.
Để nâng cao năng lực chế biến gỗ trong thời gian qua, Bình Định đã tích cực vận động, khuyến khích các doanh nghiệp chế biến gỗ tiếp cận và áp dụng công nghệ chế biến, quản lý theo tiêu chuẩn chất lượng ISO; thực hiện quy trình quản lý Chuỗi hành trình FSC-CoC, chứng chỉ VFTN,… đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng loạt, chất lượng đồng bộ, thời gian giao hàng nhanh, kiểu dáng mẫu mã đa dạng, phong phú. Sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu và khai thác từ các khu rừng được quản lý bền vững, có chứng chỉ FSC, bước đầu đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn nghiêm ngặt về môi trường của các nước EU và Hoa Kỳ.
Hội chợ Quốc tế hàng phong cách ngoài trời tại Quy Nhơn 2024 là hội chợ ngành gỗ đầu tiên được tổ chức tại Bình Định. Nhân sự kiện này, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định kêu gọi các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư, thương mại vào tỉnh Bình Định, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, với định hướng phát triển đến năm 2030, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Bình Định là gỗ và sản phẩm gỗ khoảng hơn 1 tỷ USD. Bình Định cam kết sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất, hỗ trợ tích cực nhất để các đối tác, doanh nghiệp hợp tác đầu tư, sản xuất kinh doanh được thuận lợi, hiệu quả tại địa phương.
Hội chợ dự kiến diễn ra từ ngày 9/3 đến 12/3. Trong khuôn khổ Hội chợ sẽ có nhiều sự kiện đáng quan tâm như: Chương trình Hội nghị giao ban ngành gỗ quý 1/2024 của ngành gỗ cả nước; các Hội thảo chuyên đề về xúc tiến thương mại – xuất khẩu ngành gỗ và công nghệ chế biến gỗ, các ngành hàng ngoài trời; các tour tham quan, mở rộng giao thương với các nhà máy chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh; những tiết mục biểu diễn ca nhạc, văn hóa truyền thống địa phương (Tuồng, Bài chòi, võ Tây Sơn,…).
Theo: Tài Nguyên Môi Trường