Kiểm soát chặt gian lận thương mại là “sống còn” với ngành gỗ

Theo thông tin mới nhất từ Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), lũy kế 9 tháng năm 2020, trị giá xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 8,97 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ 2019. 5 thị trường xuất khẩu chính trong 8 tháng đạt 7,01 tỷ USD, chiếm 89,4% trị giá xuất khẩu lâm sản của Việt Nam.

Phát biểu tại Hội nghị giao ban ngành gỗ bàn giải pháp đạt mục tiêu xuất khẩu lâm sản năm 2020 chiều nay 25/9, tại Bình Định, ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, 9 tháng qua toàn ngành có nhiều biến động, tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất, chế biến và trị giá xuất khẩu gỗ và lâm sản.

Bên cạnh ảnh hưởng nổi cộm của dịch Covid-19, vấn đề đáng chú ý chính là ảnh hưởng do các vụ việc cạnh tranh thương mại gây ra. Cụ thể, ngày 1/3/2020, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) chính thức tiếp nhận đơn khởi kiện của Liên minh Thương mại công bằng gỗ dán cứng Hoa Kỳ.

Nội dung là điều tra áp dụng chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp sản phẩm đối với mặt hàng ván dán (mã HS 4412) xuất khẩu từ Việt Nam do có nghi ngờ mặt hàng này có xuất xứ từ Trung Quốc.

Tiếp đó ngày 6/9/2020, DOC đã quyết định khởi xướng điều tra, gửi bản câu hỏi khảo sát về số lượng và giá trị xuất khẩu ván dán sang Hoa Kỳ cho 55 doanh nghiệp Việt Nam và yêu cầu các doanh nghiệp hoàn thành và gửi câu trả lời về DOC trước ngày 24/9/2020. Sau ngày 24/9/2020, DOC sẽ lựa chọn doanh nghiệp điều tra bắt buộc và tiến hành điều tra sơ bộ.

Ngoài ra, vụ việc đáng chú ý còn là Hàn Quốc áp thuế chống bán phá giá tạm thời với ván dán của Việt Nam.

Ngày 26/5/2020, Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc đã quyết định áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với ván dán nhập khẩu từ Việt Nam từ 9,18% đến 10,65%. Thời hạn áp dụng mức thuế từ ngày 29/5/2020 đến ngày 28/9/2020.

Hiện nay, phía Hàn Quốc đã kết thúc điều tra thực tế tại các doanh nghiệp và sẽ công bố quyết định chính thức vào cuối tháng 9/2020.

Chống gian lận là “sống còn”

Xung quanh câu chuyện xuất khẩu của ngành gỗ, đặc biệt tập trung phân tích vấn đề gian lận thương mại dẫn tới các nguy cơ kiện phòng vệ thương mại, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhận định, không thể phủ nhận rằng cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đã tạo ra cơ hội rất lớn cho ngành gỗ mở rộng xuất khẩu, đặc biệt ở những thị trường chiến lược.

Số liệu xuất khẩu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam sang Mỹ tăng từ 43% năm 2018 trên tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, lên 50% năm 2019 và 53% vào 8 tháng năm 2020. Tuy nhiên, cơ hội cũng đồng hành với các rủi ro về gian lận thương mại.

Năm 2020, xuất khẩu gỗ và lâm sản tự tin cán đích 12,5 tỷ USD
Năm 2020, xuất khẩu gỗ và lâm sản tự tin cán đích 12,5 tỷ USD

Chính phủ Mỹ đang thực hiện điều tra mặt hàng gỗ dán của Việt Nam được xuất khẩu vào Mỹ. Bên cạnh mặt hàng gỗ dán, hiện còn có 2 mặt hàng mà đang có tín hiệu rủi ro, đó là mặt hàng tủ bếp/tủ nhà tắm làm từ gỗ dán và ghế sofa có khung làm từ gỗ dán.

Cụ thể, trong 8 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu tủ bếp từ Việt Nam sang Mỹ tăng trên 80%, kim ngạch xuất khẩu khung ghế sofa có khung làm từ gỗ dán sang Mỹ tăng trên 40%.

Thông tin từ các Hiệp hội các địa phương cũng cho biết hiện có một số doanh nghiệp Trung Quốc đang thuê pháp nhân một số doanh nghiệp của Việt Nam để nhập khẩu những sản phẩm đã hoàn thiện để xuất khẩu sang Mỹ.

“Đây là những dấu hiệu về gian lận thương mại tương đối rõ ràng. Việc thành lập chi hội tủ bếp có sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất tủ bếp chân chính của Trung Quốc là cầu nối và kênh thông tin quan trọng cho việc vạch trần những doanh nghiệp núp bóng, trốn xuất xứ như đang diễn ra”, ông Lập nhấn mạnh.

Trong bối cảnh hiện tại, bên cạnh các giải pháp như xác định rõ ràng sản phẩm chiến lược và thị trường chiến lược để làm bệ đỡ cho sự phát triển bức phá của ngành gỗ; đa dạng hóa sản phẩm từ gỗ rừng trồng, phát huy hiệu quả chuỗi phát triển lâm nghiệp, ông Lập cho rằng kiểm soát chặt chẽ gian lận thương mại là vấn đề “sống còn” với ngành gỗ.

Ngoài các nội dung nêu trên, ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định kiến nghị Chính phủ, Bộ NN&PTNT và các ban ngành liên quan cho phép các doanh nghiệp lâm nghiệp, doanh nghiệp chế biến, sản xuất đồ gỗ và sản phẩm gỗ tiếp cận dòng vốn vay ODA lãi suất thấp.

Điều này nhằm giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn vốn hình thành, phát triển các chuỗi liên kết vùng, liên kết nhóm hộ gia đình và doanh nghiệp trong việc xây dựng vùng nguyên liệu gỗ lớn, chế biến sản phẩm gỗ xuất khẩu quy mô lớn…

Nguồn: Hải Quan Online


BÀI VIẾT LIÊN QUAN